CÁCH LÀM VIỆC (2)

Cách Làm Việc   2

Xem Bài (1)

Vấn Đề
Một trong những khó khăn của việc dùng cái trí quá độ gặp ở nhiều trường hợp, là việc khám phá và có được nhiều hiểu biết, kiến thức, mà không biết dùng chúng đúng cách. Vào thời điểm này khi khả năng trí tuệ được phát triển mạnh, chuyện trên là việc thường xẩy ra, chẳng những cho người thường mà cũng hay thấy nơi ai theo đuổi chuyện tinh thần. Lý do là dù đó là suy gẫm về thương mại lời lỗ hay ý tưởng tâm linh, đề tài có khác nhưng đều là dùng trí năng.
Ở đây ta cần định nghĩa chữ ‘tham thiền’, hiểu đúng thì nó không mang tính cách tôn giáo hay tâm linh, mà chỉ là hoạt động mạnh mẽ của trí tuệ. Sự chú tâm một mực, định trí lâu dài cho ra nhấn mạnh không đúng chỗ về cái trí, thái độ sai lầm và sống ngoài xã hội cũng là một hình thức của sự tham thiền, nhưng là sự tham thiền hoàn toàn nằm trong phạm vi nhỏ hẹp của tâm trí một người. Điều ấy làm giới hạn anh, gạt qua bên mọi tiếp xúc với những cảm nhận trí não khác, và cho ra sự kích thích trí não, sự chú tâm đặc biệt mạnh mẽ mà không có chỗ nào thoát ngoại trừ não bộ và lòng ham muốn.
Sự tham thiền mà ta thường nhắc tới và muốn nói, là việc định trí và thái độ liên quan tới thế giới nằm ngoài cảnh đời ta biết. Nó nói tới sự mở rộng, bao trùm và tỏ ngộ.  Sự mở rộng và thái độ như thế lẽ ra không làm người ta thành chán ghét nhân tình thế thái, hay giam cầm họ vào ngục tù do chính họ dựng nên. Ngược lại chúng phải biến họ thành một công dân của thế giới, phải sinh ra trong lòng họ ước muốn hòa mình vào với đồng loại, phải đánh thức làm họ nhận biết các vấn đề và thực tại cao hơn; chúng phải tuôn ánh sáng vào những nơi tối tăm trong đời họ và trong nhân loại như là một khối.
Kết quả của tham thiền là con người thấy, biết, và nhận thức sự việc nơi cõi tâm linh, tinh thần. Anh tiếp xúc với nhiều năng lực mạnh hơn các lực mà anh thường biết, và khi anh để chúng tuôn vào người mình những lực này từ cõi của linh hồn có thể gây xung đột với thói quen đã có sẵn và nhịp sinh hoạt từ lâu của những lực thuộc phàm nhân. Tranh chấp sinh ra căng thẳng, khó khăn, và trừ phi có sự hiểu biết đúng đắn về xung đột này, hệ quả tai hại có thể xẩy ra.
Đi vào chi tiết thì nỗ lực tham thiền làm mở cánh cửa vào thế giới ý tưởng. Anh mở cửa sổ mà qua đó ánh sáng có thể tràn vào, tỏ lộ cho tâm thức nhiều điều mới lạ đối với anh, tuy rằng chúng hằng có đó, và soi sáng những điểm trong đời anh, đời người khác, và khung cảnh mà anh làm việc.  Tất cả những mới lạ này cần được điều chỉnh khéo léo và thích nghi, khi không được vậy, người ta không hiểu rõ ý nghĩa chuyện gì xẩy ra cho mình. Con người thấy và biết quá nhiều, anh thấy được chân trời rộng lớn hơn, và có viễn ảnh bao quát hơn, nay anh phải học nhận biết là đường lối, việc làm của mình chỉ là một phần trong tổng thể lớn lao, và vấn đề cho anh là hòa hợp có ý thức các sinh hoạt của mình vào sinh hoạt của thế giới.
Mọi sự hiểu biết là một hình thức của ánh sáng, làm ta ý thức điều mà trước đây chưa biết, và làm tỏ lộ ý nghĩa nằm sau hình thể bên ngoài, cũng như cho thấy nguyên nhân sinh ra chúng. Nhưng khi mới tiếp xúc thì luôn luôn có một lúc nguy hiểm. Ta bị nguy hiểm khi nghĩ rằng điều ta thấy là tất cả những gì có thể thấy được, và do đó lập lại ở nấc cao hơn trên vòng xoắn ốc, và với mức độ rộng hơn những nguy hiểm là:
– Nhấn mạnh quá đáng,
– Chú tâm sai,
– Tin tưởng hạn hẹp, và
– Idée fixe, định kiến, chỉ thấy và mê mải luôn về một ý nào đó.
Ta bị ám ảnh với ý về linh hồn mà quên là nó cần phương tiện hay xác thân để biểu lộ nơi cõi trần, và ta bắt đầu sống trong thế giới trừu tượng, xa vời, không tiếp xúc với đời sống thực tại và sự thể hiện ở cõi trần. Khi chưa phát triển, con người sống mà không biết đến cõi của linh hồn, như thể linh hồn không có mặt; nay ta lập lại ở nấc cao hơn của vòng xoắn ốc tình trạng này mà ngược lại, có nghĩa trong tâm thức của người bị choáng ngợp với những điều thấy ở cõi tinh thần, không có sự sống của hình thể mà chỉ có thế giới của linh hồn và ham muốn có sáng tạo.
Trong tâm trạng đó, người ta không còn để ý tới những sinh hoạt của đời sống thường ngày nơi cõi trần, và trở thành mơ hồ, không thực tế, có viễn ảnh thần bí xa vời. Đây là những tình trạng nguy hiểm của trí tuệ nếu ta cho phép chúng hiện hữu. Trong nhiều trường hợp khi có được quá nhiều hiểu biết, nó sinh ra những điều bất thường trong đời sống của ta, làm cho ta luôn bị xáo trộn. Ta thấy mình như là người đứng ở trung tâm, không ngừng soạn những kế hoạch có tính trí tuệ mà luôn cả hiểu biết tinh thần và minh triết.
Việc mê mải không ngừng tạo ra hình tư tưởng làm tâm thức ta không ghi nhận điều gì khác. Ta bận tâm với nhiều kế hoạch rộng lớn, sơ đồ qui mô, những liên kết giữa chúng với nhau, và tìm cách áp đặt chúng lên người khác, lẫn kêu gọi họ trợ lực (với chỉ trích sau đó nếu họ không làm thế), cho việc thực hiện cái khối ý tưởng chẳng liên hệ gì với nhau đó của ta. Cho chính mình thì ta không có cố gắng thực sự nào để theo đuổi, làm cho những kế hoạch ấy được hoàn thành, mà chúng vẫn chỉ là dự định nơi cõi trí, trong tình trạng mơ hồ ban đầu của chúng.
Nỗ lực để thấy nhiều hơn, nắm bắt và hiểu nhiều hơn chi tiết, kết hợp chúng với nhau chiếm trọn tâm trí của ta, khiến cho không còn năng lực để mang chỉ một kế hoạch xuống cõi tình cảm, sinh có lòng ham muốn thực hiện là bước đầu tiên, dẫn đến việc thành hình nơi cõi trần kế hoạch đã tượng hình. Nếu tình trạng này kéo dài nó sẽ sinh ra căng thẳng tâm thần, tâm trí khủng hoảng, đôi khi có thể gây khó khăn cả đời. Nhưng cách chữa trị lại rất đơn giản.
Ai bị như thế cần hiểu sự vô ích của tình trạng trí tuệ mà họ đang sống. Khi đó, chọn một trong nhiều cách làm việc có thể có, và một trong nhiều công cuộc mà qua đó cái kế hoạch được cảm nhận có thể được thành hình, họ phải bắt chính mình làm việc để biểu lộ nó nơi cõi trần, gạt qua bên tất cả những khả hữu khác. Bằng cách ấy, họ có thể bắt đầu trở lại việc làm điều độ sinh hoạt trí não của mình, làm chủ cái trí, và gia nhập hàng ngũ những ai đã thực hiện một điều chi đó - bất kể là nhỏ nhoi thế mấy. Họ trở thành kẻ xây dựng khi đóng góp được như vậy.

Tình Trạng
Ta vừa mô tả loại khó khăn thấy nơi người chí nguyện, khi họ tham thiền và tiếp xúc được với ảnh hưởng của Thiên Đoàn, ở vị thế bắt được dòng tư tưởng mà các ngài và đệ tử tạo ra. Mà loại khó khăn y vậy cũng có thể gặp nơi tất cả những ai khi biết dùng cái trí tức biết định tâm, chú mục nơi cõi trí, đi sâu vào thế giới ý tưởng, sẵn sàng được khám phá ở cõi hạ trí.
Khó khăn này giải thích sự vô ích và điều có vẻ như là vô hiệu quả, công không, thấy ở nhiều người thật thông minh. Họ bận rộn với quá nhiều chuyện khả hữu để rồi tới cuối không đạt được chi hết. Trong khi đó, nếu thực hiện xong một kế hoạch, phát triển được một đường lối suy nghĩ thành kết cục cụ thể, tâm thức có suy xét rõ ràng trong trí não, sẽ cứu vãn được sự việc và mang lại hữu dụng, sáng tạo cho nhiều cuộc đời có thể là tiêu cực và không có thành quả chi.
Không cần phải nói, người như vậy hết sức tích cực với cái họ cho là ý niệm, ý tưởng của mình, về cách làm sao thực hiện chúng, và thường xuyên là làm ai chung quanh chán ngán họ. Thân hữu, bạn đồng sự là những người bị họ không ngừng phê bình, vì những người ấy không thực hiện kế hoạch theo cách họ nghĩ phải làm, hay vì khối hầm bà lằng tư tưởng mà họ bị tràn ngập không được những người trước đánh giá đúng mức.
Điều nên biết là người như thế bị sốt tâm thần, với các triệu chứng đi theo là loạn tưởng, sinh hoạt quá độ và dễ cáu kỉnh, bực bội. Như đã ghi, việc chữa lành nằm trong tay họ, là sự hăng hái làm việc với một kế hoạch đã chọn để chứng tỏ hiệu quả của nó, dùng lương tri thông thường và cách suy xét hằng ngày. Chuyện xẩy ra là nhờ tham thiền họ bắt được ánh sáng, cho phép họ thấy nhiều điều cùng những hình tư tưởng mà họ chưa quen.  Hình được biểu lộ với những hệ quả với những chuyện liên can làm họ mê mẩn, say sưa vì quá to tát, nên họ cho đó là chuyện thiêng liêng, và bởi vậy, tối cần.
Bởi họ vẫn còn tâm điểm trong cách suy nghĩ của mình và còn - dù là không hữu ý - đầy lòng cao ngạo trí tuệ lẫn tham vọng tinh thần, họ cảm thấy mình có những chuyện vĩ đại phải làm, và ai khác mà họ quen biết phải trợ giúp họ làm chúng, bằng không thì đó là những người thất bại. Điểm chính ở đây là việc qui mọi chuyện về mình, vậy cộng thêm với đề nghị chữa lành ở trên là sự ý thức tình trạng ấy và chủ tâm biến đổi nó, không còn đặt mình làm tâm điểm trong cách suy nghĩ - decentralisation, hay nói giản dị là không đóng vai chánh. Làm sao làm vậy ?

Thực Hành
Đặt mình qua bên có nghĩa là:
– Người chí nguyện không đòi hỏi gì cho cái tôi riêng biệt. Ta có thể dễ dàng thấy vì sao người chí nguyện được dạy là tuân theo Chân nhân của mình, và từ bỏ mọi đòi hỏi của cái tôi riêng biệt, và cũng có thể hiểu vì sao nhiều người phản ứng chống lại lời dạy này. Ai như vậy thì chưa sẵn sàng, và do đó lời thệ nguyện là tác nhân đáng kể làm phân biệt ai đủ sức làm theo với ai chưa. Với ai mà tiêu chuẩn gạt cái tôi ra ngoài bị xem là quá cao, họ không muốn và không hiểu ý này, thành ra ai chưa sẵn sàng thì chỉ trích đòi hỏi ấy. Về sau họ sẽ quay lại và chấp nhận nó với sự hiểu biết.
– Mắt của anh hướng về sự sáng, và không còn hướng về ước muốn được tiếp xúc với Chân Sư. Do đó, thái độ này loại bỏ lòng ích kỷ tinh thần thấy qua ao ước - có sẵn và sâu đậm - được một trong các đấng Cao cả nhận biết. Khi người ta thoát khỏi sự ràng buộc vào cái tôi thì vị Chân Sư có thể dám tiếp xúc, và tạo mối liên hệ với người chí nguyện.
– Vun trồng khả năng nhận biết và đáp ứng với nhu cầu xung quanh, tức gợi nên ý muốn phụng sự và cho cảm tưởng mãn nguyện sinh ra khi có thành đạt và lòng biết ơn.
– Sự chuyển hóa chậm chạp và cẩn thận của dục vọng sang ước nguyện.
Khi người ta biết quên mình, cố gắng đặt cái tôi bên ngoài sự việc, và học yên lặng với chính mình, với những gì họ suy nghĩ, cùng cảm nhận và làm việc, sự đóng góp của họ sẽ thành lớn lao hơn, và vùng hoạt động của họ sẽ mở rộng nhiều hơn.
Nói về cung thì việc đặt mình làm tâm điểm là một tính chất của phàm nhân cung một, còn người có phàm nhân cung hai ít có thái độ ấy hơn. Quan sát nơi người trước thì ta thấy như sau:
Đời sống, tư tưởng, việc làm và việc phụng sự cùng mối liên hệ với người khác, được tạo quanh chính anh. Không có giây phút nào mà anh biến mất khỏi hình ảnh, ngay cả khi anh xem là những phút tinh thần cao nhất của mình. Anh vẫn chỉ là một phàm nhân làm việc mà không phải là một Chân nhân làm việc, vì lý thuyết của anh vượt xa sự thực hành. Và đó là lý do thực và sâu xa cho nỗi thất vọng và thiếu hạnh phúc của anh.
Mỗi trường hợp mỗi khác, ở đây là người có hiểu biết về MTTL lẫn về chính mình, nhận xét của Thầy anh nói rằng muốn giải quyết thì anh phải đặt Thiên Cơ thay cho những kế hoạch của mình, nhu cầu của nhân loại thay cho nhu cầu của anh, và việc phụng sự phải làm thay cho những việc của anh. Người bạn cần suy gẫm về chữ Thay Thế - subtitution. Vào lúc này, điều làm anh quan tâm là:
– Kế hoạch của anh mà không phải Thiên Cơ,
– Nhu cầu của anh, tài chánh và vật chất, tình cảm và trí tuệ, mà không phải nhu cầu của bạn đồng sự trong nhóm, và
– Những gì anh phải làm mà không phải việc đáp ứng mong chờ nơi anh đối với nhu cầu của người khác. Về những ai đến với anh, người bạn nhìn sự việc theo quan điểm của phàm nhân mình, và theo phản ứng của họ đối với anh. Anh không thấy họ như là linh hồn, hay như là tác nhân được gửi tới để cùng anh làm việc.
Vị Thầy tỏ ý rằng điều ấy phải thay đổi và có thể thay đổi.
– Anh có sức mạnh và có thể làm người khác vững mạnh, khi sức mạnh của chính anh được tản ra khỏi con người của anh và ý than thân của anh.
– Anh có nhiều minh triết và có thể dùng nó một khi quên mình là người chỉ dạy.
– Tình trạng thể chất, sự thương và ghét nơi anh, phản ứng tình cảm và ý tưởng của riêng anh chiếm chỗ quá lớn nên linh hồn khôn ngoan, thông minh, sáng suốt của anh thấy khó làm cho anh để ý tới nó.
Khi người bạn nhận ra là so với nhu cầu cấp bách và to lớn của nhân loại, không một lo lắng nào của phàm nhân anh là đáng kể, và phần lớn những quan tâm ấy sẽ phai mờ đi khi anh bận rộn với những tiêu chuẩn cao hơn về giá trị. Khi đó, công việc của anh sẽ có sức sống mới, và việc phụng sự của anh thành năng động, có tính thu hút, là tụ điểm cho lực tinh thần mà lúc này anh không nhận biết.
Điều quan trọng là vào lúc này phàm nhân của người bạn là điểm giữa trong tâm tưởng của anh, trong khi lẽ ra không nên có một tâm điểm nào, và anh nên luôn luôn sống sao cho lúc nào tâm điểm ấy cũng là trọn nhân loại. Cho riêng anh, một cách nữa để tập quên mình là thực hành lòng dửng dưng thiêng liêng – divine indifference; nó là chìa khóa cho sự giải thoát, thoát khỏi sự kiểm soát của phàm nhân và các phản ứng, thoát khỏi tánh than thân, khỏi giới hạn của thể chất và tình cảm. Vấn đề của anh không phải là làm những khó khăn mất đi, mà giản dị là không màng có chúng hay không. Mục tiêu cho anh nhắm tới là thành người quên mình, mang lại niềm vui vẻ và hứng khởi cho người khác, và làm ngơ các phản ứng của mình do có lòng dửng dưng thiêng liêng.
Lòng quên mình về sau cho ra khả năng đồng hóa được mình với người khác và do vậy, đưa tới việc anh có một đời thương yêu phụng sự. Khi nghĩ quá nhiều về mình, đó có thể là dấu hiệu anh nghe không ngừng tiếng nói của phàm nhân đang phấn đấu. Nó nói với anh mê hoặc quá khiến anh không nghe được lời dịu dàng, nhỏ nhẹ của linh hồn, lời này không tạo được ấn tượng trong đời anh.
Phản ứng mạnh mẽ mà người bạn có là do anh coi mình là tâm điểm của vũ trụ. Thế nên việc phải làm là đặt mình ra ngoài, không còn ý luôn có về cái tôi, than thân trong mọi hoàn cảnh, không còn xem mình lúc nào cũng đứng ở giữa mọi việc, xem mình là kẻ quan trọng, kẻ bị người trong nhóm hiểu lầm, phải gánh chịu những sai sót của họ, mà hãy học xem anh đúng như anh là.
Nói thêm thì anh không thương yêu thật lòng mà chỉ thương chính anh. Nếu thật lòng yêu mến và có dạ vô tư, hẳn anh đã không gây đau khổ cho những ai quí mến và tin tưởng vào khả năng của anh; hẳn anh sẽ có sức thu hút nhiều hơn với mức lớn hơn. Thế nhưng anh chỉ lôi cuốn được những ai nhìn thấy phàm nhân của anh, và thương yêu phàm nhân ấy. Sự thiếu sót đó ảnh hưởng tới việc làm của anh, nhưng nó có thể thay đổi dễ dàng, nếu anh học được lòng dửng dưng thiêng liêng mà anh cần, dửng dưng với chính mình và với những quan tâm của phàm nhân, những điều thích và không thích, dửng dưng với những điều anh quan tâm, với lo lắng và thành công; giữ trong lòng chuyện của mình, thay vì có phản ứng dữ dội gây thiệt hại cho nhóm.
Bởi lòng đầy sợ hãi và tư lợi, anh không sinh ra tác động cần thiết cho những ai cần anh trợ giúp. Họ bị sự quan tâm và lo lắng của anh, và đòi hỏi của anh là họ quí mến anh, chi phối. Anh có tiềm năng và có thể làm được nhiều việc, nhưng điều ấy chỉ có được khi điều ưa thích và không ưa thích của anh, cảm xúc, những đau ốm thể chất của anh mờ dần trong hình của anh, và chỉ còn lại nhu cầu của thế giới, cùng lòng ao ước đáp ứng với nhu cầu ấy theo khả năng của mình.
Với ai muốn đảm đương nhiều hơn, muốn được giao phó phần việc to lớn hơn, thì điều ấy chỉ tới khi có sự đều đặn mở rộng tâm thức, chứng tỏ bằng việc tuôn ra không ngừng lòng từ và thông cảm với nhu cầu của người khác trong đời, và ý thức về đại ngã. Vì vậy, ta được khuyên là:
● Học đem vào tư tưởng hằng ngày của mình nhiều người hơn, làm cho ảnh hưởng của mình, tuôn ra đều đặn từ cái tâm vững vàng ở giữa, được nhận biết trong vòng tiếp xúc ngày càng rộng hơn.
● Nắm mỗi cơ hội để có sự tương tác rộng rãi hơn với của cuộc đời khác, ảnh hưởng tới họ khi nào có thể được. Người bạn có thể làm được vậy với ngòi bút của mình, và họ không cần đi tìm sự tiếp xúc bên ngoài, không cần đi đâu khỏi nơi đang ở, vì những ai mà anh có thể giúp sẽ đến với anh ngày càng nhiều.
Chuyện dễ gây hiểu lầm, là người ta hay cho rằng ai có lòng cao ngạo mới thường xem mình là trung tâm điểm, nhưng không nhất thiết phải vậy. Bởi ai hay than thân trách phận, có tự ti mặc cảm cũng là đang nghĩ nhiều về cái tôi của họ, và cũng đang nhìn ra thế giới chung quanh từ tâm điểm là cái tôi.
Ta được cho ví dụ mô tả hai trường hợp khác nhau mà sinh ra phản ứng giống nhau:
– Người A có ý thức về thiêng liêng, tinh thần, chân lý, linh hồn, vì trong những kiếp trước anh đạt phần nào sự thức tỉnh về linh hồn mình. Nay anh muốn áp đặt và khiến các thể của mình sống theo điều anh đã biết nơi cõi linh hồn, cũng như có ước muốn ai mà anh thương mến cũng phải nhận ra sự thiêng liêng nơi anh, việc phụng sự và khả năng của anh. Vấn đề của người bạn không nằm sâu, vì nó không được nuôi dưỡng chính yếu từ cõi trí.

– B có ý thức về thiêng liêng như A, mà biết rằng phàm nhân chưa thể hiện được hoàn toàn ý thức đó, sinh ra tự ti mặc cảm tin rằng mình đã thất bại. Trí năng của B phát triển, soi sáng, cho phép người bạn nhìn ra giới hạn của họ. Tuy nhiên trí năng ấy đưa họ đi sâu vào huyễn ảnh cõi trí là một hình tư tưởng vĩ đại, và ảnh hưởng đến cái nhìn của họ làm vấn đề hóa khó hơn.
Bạn nhận ra chăng, người A đánh giá cao khả năng biểu lộ thiêng liêng của phàm nhân, còn B đánh giá thấp, và cả hai cùng đặt mình là tâm điểm trong cách họ nhìn sự việc.
– Vì B sử dụng trí năng nhiều, cách chữa cho họ là bớt học hỏi lại và sống, LÀ - to be nhiều hơn.
– Cho A, ấy là loại bỏ hẳn không nói tới những hoạt động của cái tôi, anh làm vậy không phải bằng cách ngăn cản, ức chế mà do lòng thật tình không có tư lợi.
Sách vở hay nói đến ‘tổng thể - whole’, khuyến khích có sự tổng hợp trong cách suy nghĩ, ấy là một cách tập cho người chí nguyện không đặt mình làm tâm điểm. Họ học nhìn phàm nhân đúng tầm mức mà không xem nó là yết tố chế ngự trong đời sống hằng ngày. Tâm thức ấy làm người bạn hòa hợp nhiều hơn với ai cùng làm việc như anh, và với nhân loại; nhờ vậy tiếp xúc với Thiên Đoàn, nhận được năng lực từ trên cao.
Khi không đặt mình là tâm điểm, phát triển tính gạt cái tôi qua bên, người chí nguyện tiến dần tới việc thấy mình là một phần của tổng thể lớn lao hơn, làm việc cho mục tiêu đã định. Ngược lại, có nhiều người nỗ lực làm việc nhưng không có phút giây nào mà họ quên chính mình.

Tóm Lược
Ai mới được thu hút về đường Đạo thường đầy nhiệt tâm, hăng hái. Người bạn khám phá ra Theosophy và mê say với sự đẹp đẽ của bao hiểu biết mới. Chúng mở ra cảnh rực rỡ và anh choáng mắt, dẫn tới hai phản ứng,
● Hoặc đắm chìm và dệt mộng trong cơ Trời vĩ đại,
● Hoặc sôi nổi làm việc, nghĩ rằng mình đang phụng sự đắc lực, trong khi thực ra là họ đang vinh danh cái tôi của họ.
Một cách giải quyết cho vấn đề là làm hai việc nối tiếp nhau:
● Thứ nhất, thực hiện điều mà nhờ tham thiền ta nhận biết phải thể hiện nơi cõi trần, thay vì chỉ tô vẽ cho viễn ảnh mà không biến nó thành thực tại hữu ích.
● Thứ hai, khi làm vậy, ta không đặt mình là tâm điểm mà hướng ra đến càng nhiều người càng hay, mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Tham khảo:
Esoteric Psychology vol. 2, A.A.Bailey
Discipleship in the New Age, vol. 1, 2, A.A.Bailey